Năm ấy, mấy chục công lúa tui đang cấy cặp mé rừng, tới mùa không còn thu hoạch được một hột để nhổ râu. Lúc lúa đứng cái, lũ nai kéo về cả bầy, ăn tới tới. Cất chòi giữ ngày giữ đêm, giật banh mất chục cái thùng thiếc mà chúng vẫn trơ trơ không sợ. Đánh bẫy, giặng giò bắt được một, thì chúng kéo lại hai. Nai chà tràn vô xóm rượt chém bò cổ, nhảy đực bò cái, đẻ ra con nào cũng có nhánh nhóc.
Ai cũng bảo là chắc phải để xứ này cho nai ở. Tui nhất định không chịu thua, cố tìm hết cách để trị lũ nai này. Đêm đêm tui đi rình xem cách chúng ăn lúa. Nó ăn cũng như trâu bò ăn vậy thôi. Nghĩa là lưỡi cũng le ra, nghoéo gọn bụi lúa rồi giựt mạnh lên.
Tui về nhà, ngồi suy nghĩ, nhủ thầm: “Như vậy là chết cha chúng mày rồi!”. Xách mác ra vườn, tui đốn những cây tre lồ ô mang vô. Tui lần lượt bập nhẹ nhẹ lưỡi mác vào cật cây tre rồi lẩy ra lấy một miếng cật tre dài cỡ chiếc đũa bếp, hai bề cạnh bén như nước. Làm tới chiều, tui đem ra ruộng, mỗi bụi lúa tui cắm vào giữa một miếng tre cho thật chắc. Làm xong về nhà, tui biểu mấy đứa nhỏ cứ việc ngủ cho thẳng giấc đi, đừng lo canh tuần gì nữa.
Sáng bữa sau, tui chống chiếc xuống be ra ruộng. Tui xăn quần lội xuống, tay nắm be xuồng dắt tới, vừa đi vừa mò theo từng gốc lúc mà lượm lưỡi nai. Thứ tre lồ ô chẻ mỏng, cật bén như nước. Vô phúc cho con nai nào nhè ngoéo cái lưỡi vô đó mà giật lên thì thế nào cũng phải đứt lưỡi ra.
Mùa đó, ngoài cái chuyện bán thịt lưỡi nai tươi cho bà con lối xóm nhậu chơi, tui còn phơi khô chở lên Sài Gòn bán cho cửa hàng mua để xuất sang Hồng Kông, Singgapo được một tấn hai lưỡi nai khô. Không tin thì hỏi bả thử coi.
Leave a Reply